Yoo

Câu ghép là gì (tìm hiểu về Câu ghép)

Câu ghép là gì ? Câu ghép là câu do nhiều vế câu ghép lại. Mỗi vế câu ghép thường có cấu tạo giống một câu đơn (có đủ chủ ngữ, vị ngữ) và thể hiện một ý có quan hệ chặt chẽ với ý của những vế câu khác.

Câu ghép là gì
Câu ghép là gì

Câu ghép là gì ? Cách nối các vế câu ghép

a. Khái niệm: 

– Câu ghép là câu do nhiều vế câu ghép lại. 

>>ĐOÀN VIÊN LÀ GÌ (người đoàn viên đầu tiên là ai)

– Mỗi vế câu ghép thường có cấu tạo giống một câu đơn (có đủ chủ ngữ, vị ngữ) và thể hiện một ý có quan hệ chặt chẽ với ý của những vế câu khác. 

Ví dụ: 

+ Vì trời đổ mưa nên chuyến đi của lớp Lan đành phải hoãn lại.

→ Đây là câu ghép do hai vế câu đơn ghép lại

+ Trời đổ nắng to, mẹ đội nắng phơi thóc ngoài sân, bố gánh lúa từ ngoài đồng về, còn Nam thì vẫn ung dung ngồi quạt mát trong nhà.

→ Đây là câu ghép do 4 vế câu đơn ghép lại.

b. Cách nối các vế câu ghép:  

Có 2 cách nối các vế trong câu ghép:

* Nối bằng những từ có tác dụng nối: Các vế câu trong câu ghép có thể được nối với nhau bằng một quan hệ từ hoặc một cặp quan hệ từ. 

* Nối trực tiếp (không dùng từ nối). Trong trường hợp này, giữa các vế câu cần có dấu phẩy, dấu chấm phẩy hoặc dấu hai chấm. 

c. Ví dụ: 

– Nối các vế trong câu ghép bằng những từ có tác dụng nối: quan hệ từ hoặc cặp quan hệ từ: 

+ Những quan hệ từ thường được dùng là:và, rồi, thì, nhưng, hay, hoặc,….

Mình đi siêu thị hay bạn đi ra chợ?

+ Những cặp quan hệ từ thường được dùng là:

++  vì… nên….; do…. nên….; nhờ….mà…. : Nhờ Minh giảng giải mà Lan đã giải xong bài toán đố.

++ nếu…thì…; giá….thì…; hễ….thì….: Giá Long chăm học hơn nữa thì kết quả đã không thấp thế này.

++ tuy….nhưng….; mặc dù….nhưng ….: Mặc dù trời mưa nhưng cuộc họp vẫn sẽ được tổ chức.

++ chẳng những…. mà……; không chỉ….. mà……: Chẳng những Tuấn lười học  cậu ta còn hỗn láo nữa.

+ Những cặp từ hô ứng cũng thường được dùng: 

++ vừa … đã; chưa … đã; mới… đã; vừa … vừa; càng … càng; đâu … đấy; nào … ấy; sao … vậy; bao nhiêu … bấy nhiêu: Trời càng mưa nhiều, đường càng lầy lội.

Nó học chăm học bao nhiêu thì em nó lại lười học bấy nhiêu.

– Nối trực tiếp (không dùng từ nối). Trong trường hợp này, giữa các vế câu cần có dấu phẩy, dấu chấm phẩy hoặc dấu hai chấm: 

+ Trong vườn, hoa lặng lẽ tỏa hương, những chú ong thầm lặng hút mật đem lại ngọt bùi cho đời.

→ Hai vế “hoa lặng lẽ tỏa hương” và “những chú ong thầm lặng hút mật đem lại ngọt bùi cho đời” được nối với nhau bằng dấu phẩy.

+ Cảnh tượng xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay, tôi đi học.

→ Hai vế “Cảnh tượng xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn” và “Hôm nay, tôi đi học” được nối với nhau bởi dấu hai chấm. 

+ Kia là hoa hồng đang lặng lẽ tỏa hương; đây là hoa lan đang vươn mình trong nắng mới; xa xa là hoa cúc đang rung rinh trong những cơn gió đang về.

→ Ba vế “Kia là hoa hồng đang lặng lẽ tỏa hương”, “đây là hoa lan đang vươn mình trong nắng mới” và “xa xa là hoa cúc đang rung rinh trong những cơn gió đang về” được nối với nhau bởi dấu chấm phẩy.

QUAN HỆ NGUYÊN NHÂN TRONG CÂU GHÉP TIẾNG VIỆT

1. Đặt vấn đề

>> Kiểu dữ liệu là gì? kiểu của một hàm được xác định bởi (Hãy chọn phương án ghép đúng)
1.1.  Nguyên nhân – kết quả là một cặp phạm trù trong phép biện chứng duy vật và là một trong những nội dung của nguyên lí về mối liên hệ phổ biến dùng để chỉ mối quan hệ giữa một nguyên nhân với một kết quả được suy ra từ chính nguyên nhân đó. Tuy nhiên, quan hệ nguyên nhân – kết quả (quan hệ nguyên nhân) trong triết học không đồng nhất với quan hệ nguyên nhân trong ngôn ngữ. Bởi lẽ, trong triết học quan hệ này chỉ biểu thị mối liên hệ vốn có của chính bản thân sự vật, hiện tượng mà không phụ thuộc vào ý thức của con người; còn quan hệ nguyên nhân trong ngôn ngữ không chỉ biểu đạt quan hệ của bản thân sự vật, tồn tại trong thực tế khách quan mà còn biểu thị quan hệ tồn tại trong ý thức, trong tư duy của con người.

 1.2. Nói đến câu ghép là nói đến kiểu cấu tạo phức hợp của nó (gồm hai hoặc hơn hai mệnh đề không bao nhau) và nói về những mối quan hệ ngữ nghĩa giữa các mệnh đề trong câu, trong đó có quan hệ nguyên nhân. Điều này đã được ngữ pháp truyền thống và cả ngữ pháp chức năng đề cập tới trong những công trình nghiên cứu về cú pháp, tuy nhiên dưới dạng khái quát, có tính chất “mở đường” cho các hướng nghiên cứu về sau.

Bài viết này vận dụng kết quả nghiên cứu lí thuyết về câu ghép trên bình diện nghĩa để tìm hiểu một số kiểu quan hệ ngữ nghĩa giữa các mệnh đề trong câu ghép tiếng Việt.
2. Khái niệm câu ghép nguyên nhân

>> tìm hiểu Chiều dài chiều rộng là gì (khác nhau-Chiều ngang là chiều nào-chiều dài, chiều rộng tiếng anh-Tính chu vi chiều dài, chiều rộng-Chiều rộng là ngang hay dọc-Ký hiệu dài rộng cao-tính chu vi Trái Đất)
Trong tiếng Việt, khi phân loại câu ghép, phần đông các nhà Việt ngữ học đều căn cứ trên hai phương diện:
 –  Thứ nhất, trên phương diện ngữ pháp, câu ghép được phân loại dựa trên quan hệ ngữ pháp khái quát và các phương tiện hình thức có chức năng nối kết mệnh đề.
 –  Thứ hai, trên phương diện ngữ nghĩa, câu ghép được phân loại dựa trên các kiểu quan hệ nghĩa tồn tại giữa các mệnh đề trong từng kiểu câu ghép cụ thể.

 Theo đó, xét trên phương diện ngữ pháp, câu ghép nguyên nhân thuộc kiểu câu ghép chính phụ, vì có các mệnh đề không bình đẳng nhau về quan hệ ngữ pháp, phân biệt được mệnh đề chính và mệnh đề phụ. Thông thường, mệnh đề phụ đứng trước, được dẫn nhập bằng quan hệ từ phụ thuộc và mệnh đề chính đứng sau, có thể có hoặc không có quan hệ từ tương ứng ở đầu. Xét trên phương diện ngữ nghĩa, giữa các mệnh đề có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau theo kiểu: một mệnh đề chỉ nguyên nhân (A) và một mệnh đề chỉ hệ quả (B) nảy sinh từ nguyên nhân đó. Ví dụ:
(1)  chúng ta có ý thức sâu sắc đối với tiếng nói của dân ta, cho nên từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chúng ta đã làm những việc rất có ý nghĩa và đem lại những kết quả to lớn.
                                        (Phạm Văn Đồng, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt)
Câu ghép trên có hai mệnh đề, quan hệ giữa hai mệnh đề là quan hệ nhân – quả: mệnh đề đi trước là mệnh đề phụ diễn đạt nguyên nhân, có quan hệ từ vì đứng đầu, mệnh đề đi sau là mệnh đề chính, mệnh đề này được dẫn nhập bằng quan hệ từ cho nên diễn đạt ý nghĩa hệ quả được suy ra từ nguyên nhân của mệnh đề đứng trước.

 Mô hình của kiểu câu ghép này được khái quát như sau:

qht [mệnh đề nguyên nhân] → qht [mệnh đề hệ quả]

Như vậy, “câu ghép nguyên nhân là câu ghép chính phụ mà ở đầu mệnh đề phụ có chứa quan hệ từ diễn đạt quan hệ nguyên nhân như vì, do, tại, bởi, nhờ,… mệnh đề này cũng được gọi là mệnh đề nguyên nhân. Trong câu ghép nguyên nhân, ở mệnh đề chính có thể xuất hiện (không bắt buộc) các từ (cho) nên, mà diễn đạt hệ quả, khi mệnh đề chính đứng sau, mệnh đề chính được gọi là mệnh đề hệ quả”. [1, tr221]

3. Các kiểu quan hệ nguyên nhân trong câu ghép tiếng Việt
Xuất phát từ ngữ liệu đã được khảo sát, chúng tôi cho rằng việc xác định quan hệ nguyên nhân giữa các mệnh đề trong câu ghép tiếng Việt có thể căn cứ trên các phương diện chủ yếu sau đây:

  • Theo sự hiện diện của các phương tiện liên kết
  • Theo trật tự nhân – quả giữa các mệnh đề
  • Theo tính chất khách quan – chủ quan
  • Theo mức độ phức hợp của kiểu quan hệ

3.1. Quan hệ nguyên nhân xét theo sự hiện diện của các phương tiện liên kết
Có thể nói quan hệ nguyên nhân xuất hiện khi và chỉ khi sự vật, hiện tượng được phản ánh trong nội dung của ít nhất là hai mệnh đề trong câu ghép có quan hệ lôgich với nhau theo kiểu mệnh đề này là điều kiện cần và đủ để trở thành nguyên nhân hay hệ quả của mệnh đề kia. Khi đó, các quan hệ từ hay cặp quan hệ từ vì, bởi vì, tại vì,… nên, cho nên, vì thế, vì vậy,sở dĩ… là vì… đóng vai trò là các phương tiện ngôn ngữ căn bản diễn đạt quan hệ nguyên nhân một cách ổn định và rõ ràng nhất, tạo nên sự trùng khớp về quan hệ ngữ pháp và quan hệ nghĩa. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, lệ thuộc vào mục đích giao tiếp, vào tình huống sử dụng câu và không kém quan trọng là ý định diễn đạt của người nói, quan hệ nguyên nhân không được biểu đạt một cách tường minh mà chỉ thể hiện thông qua sự liên kết về ý nghĩa giữa các sự việc trong mỗi mệnh đề, đòi hỏi người nghe phải áp dụng thao tác suy luận dựa trên những tri thức nền sẵn có để xác định. Vì vậy, chúng tôi sẽ căn cứ vào sự hiện diện hay không của các phương tiện liên kết để chia quan hệ nguyên nhân thành hai loại: quan hệ nguyên nhân hiển minh  quan hệ nguyên nhân không hiển minh.

3.1.1.Quanhệ nguyên nhân hiển minh
Đây là kiểu quan hệ mà giữa các mệnh đề trong câu ghép có sự hiện diện của các phương tiện từ vựng đánh dấu kiểu quan hệ: đó là các quan hệ từ hay các cặp quan hệ từ chuyên dụng xuất hiện ở đầu mỗi mệnh đề hoặc một trong hai mệnh đề như: (bởi/ tại) vì… (cho) nên, bởi chưng… cho nên, sở dĩ… là vì, nhờ… màdo… nên… Sự hiện diện của các yếu tố này ngoài chức năng nối kết các mệnh đề, chúng còn được xem như là dấu hiệu quan trọng để nhận biết kiểu quan hệ, đồng thời cũng là cơ sở phân biệt quan hệ này với các kiểu quan hệ khác như: quan hệ điều kiện, quan hệ mục đích, quan hệ thời gian… Ví dụ:
(2) Cõ lẽ do vì được sinh ra tại Việt Nam nên vóc dáng cô mảnh dẻ, tóc đen mắt huyền, giọng nói êm ái, tư chất dịu hiền.
                                         (Bảo Ninh, Tiếng vĩ cầm của quân xâm lăng)
(3) Sở dĩ tôi nhớ lại chuyện cũ, là vì độ này bên tai tôi, ai ai cũng còn nói đến Tết.                                   (Nguyễn Công Hoan, Quan tham nửa giờ)
(4) Tình yêu với một người con gái lãng mạn như tôi thường mang màu sắc đẹp đẽ lung linh của bọt xà phòng nên khi nó đi cũng mơ hồ nguyên nhân y lúc đến.
                                         (Lê Nguyên Ngữ, Về một bàn tay)
(5) Vọp đặt tên cho con như vậy  cả năm đều là con gái và cũng hợp với cái tên của mình.                                 (Mai Tiến Nghị, Mùa cua rận)
Trong các ví dụ trên, các quan hệ từ (được in đậm) mặc dù không có ý nghĩa từ vựng nhưng chúng lại có vai trò đặc biệt quan trọng về ngữ pháp. Sự hiện diện của chúng ở trong câu là dấu hiệu rõ ràng nhất để quan hệ nguyên nhân được thiết lập. Ngoài ra, mỗi quan hệ từ khi ở vị trí đầu mệnh đề nguyên nhân hay hệ quả sẽ quy định sự tồn tại hay không của quan hệ từ tương ứng với nó trong mệnh đề còn lại. Chẳng hạn, quan hệ từ nên (ví dụ 2, 4) đứng đầu mệnh đề hệ quả sẽ quy định vị trí đứng trước là mệnh đề nguyên nhân, tạo ra kiểu quan hệ nguyên nhân – hệ quả còn sự có mặt của từ sở dĩ (ví dụ 3) ở đầu mệnh đề hệ quả lại quy định vị trí đứng sau nó là mệnh đề nguyên nhân, tạo ra kiểu quan hệ sự việc – nguyên nhân. Trong trường hợp nếu mệnh đề hệ quả đứng trước không có quan hệ từ dẫn nhập thì mệnh đề nguyên nhân đứng sau phải có quan hệ từ đứng đầu được xem như một nguyên tắc bắt buộc (ví dụ 5).

3.1.2. Quan hệ nguyên nhân không hiển minh
Đây là kiểu quan hệ mà giữa các mệnh đề không được biểu hiện trực tiếp bằng các quan hệ từ mà được ngầm hiểu theo những phương thức suy luận thông qua nội dung ý nghĩa được nêu ở mỗi mệnh đề. Theo quan sát của chúng tôi, kiểu quan hệ này có thể được trình bày bằng một trong hai cách sau đây:
  –  Theo trật tự trước sau của các sự việc: mọi sự việc khi có quan hệ nguyên nhân đều diễn ra theo thời gian: nguyên nhân là cái sinh ra kết quả, cho nên, nguyên nhân bao giờ cũng có trước kết quả, còn kết quả bao giờ cũng xuất hiện sau. Do đó, trật tự trước sau của các mệnh đề cũng được diễn ra theo chiều nguyên nhân (A) → hệ quả (B). Ví dụ:
(6) Tôi lỡ tay đánh vỡ một cái chén, bà ấy đánh tôi đau quá.
                                                                (Thạch Lam, Đứa con)
(7) Cái bếp lửa cũng bị gió ném tung ra khắp bãi cát, những tàn lửa đỏ rực bay quẩn lên chung quanh chỗ tôi và ông lão ngồi.
                                                          (Nguyễn Minh Châu, Chiếc thuyền ngoài xa)
Ở ba ví dụ trên, ta thấy các sự việc không chỉ có quan hệ nhân quả mà đồng thời còn có quan hệ thời gian: sự việc trình bày ở mệnh đề trước xảy ra trước và là nguyên nhân trực tiếp của sự việc nêu ở mệnh đề đi sau. Trong trường hợp này, trật tự hai mệnh đề do yếu tố thời gian quy định nên không thể thay đổi. Chẳng hạn, không thể nói:
+  Bà ấy đánh tôi đau quá, tôi lỡ tay đánh vỡ một cái chén. (-)
+  Những tàn lửa đỏ rực bay quẩn lên chung quanh chỗ tôi và ông lão ngồi, cái bếp lửa cũng bị gió ném tung ra khắp bãi cát. (-)
(Ghi chú: nếu thay đổi trật tự như trên, bắt buộc phải sử dụng quan hệ từ “vì” ở đầu mệnh đề diễn đạt quan hệ nguyên nhân).
  –  Theo điểm nhìn, sự tri nhận của người viết: trong những trường hợp này, do người viết muốn nhấn mạnh tới ý nghĩa nguyên nhân của sự việc nên đã để mệnh đề chỉ nguyên nhân đứng sau, theo chiều hệ quả (B) → nguyên nhân (A). Theo chúng tôi, điều này xảy ra khi câu ghép chỉ có một hệ quả nhưng được suy ra từ nhiều nguyên nhân khác nhau . Ví dụ:
(8) Vào hồi nửa đêm, chúng tôi sực thức dậy, gió thổi ào ào trong các lá cây và đập mạnh vào các tàu lá chuối; từng luồng chớp loáng qua cửa sổ.
                                                          (Thạch Lam, Tiếng chim kêu)
(9) Con không thể rời bỏ được má con ông ạ, con thương má con, vả lại ba con cũng thuận để con ở lại với má con, ba con bảo: còn má ở lại không nên đi hết.
                                       (Nguyễn Minh Châu, Mùa trái cóc ở miền Nam)
Mỗi câu ghép trên đều có ba mệnh đề. Nếu xét theo quan hệ ngữ pháp thì ba mệnh đề này có quan hệ bình đẳng với nhau vì chúng không có các quan hệ từ phụ thuộc biểu thị, còn nếu xét theo quan hệ lôgich ngữ nghĩa thì quan hệ giữa ba mệnh đề này vẫn là quan hệ phụ thuộc, trong đó, mệnh đề đứng trước chỉ hệ quả (phần được in đậm), hai mệnh đề đi sau là những mệnh đề nêu nguyên nhân. Cơ sở để nhận biết quan hệ nguyên nhân ở đây là căn cứ vào tính lôgich của các sự việc. Chẳng hạn, ở ví dụ (8), âm thanh của gió (mệnh đề 2), ánh sáng của những luồng chớp (mệnh đề 3) là nguyên nhân dẫn đến việc tỉnh giấc của “chúng tôi” (mệnh đề 1). Đây là quan hệ nhân quả mang tính khách quan vì nó diễn đạt sự việc xảy ra trong phạm vi của “thế giới hiện thực”. Ở ví dụ (9), quyết định không thể rời bỏ mẹ của nhân vật “con” (mệnh đề 1) là hệ quả xuất phát từ hai nguyên nhân được nêu ở mệnh đề 2, 3, đó là lòng thương má  sự ủng hộ của người ba. Quan hệ nhân quả này mang tính chủ quan nhiều hơn vì nó diễn đạt sự việc xảy ra trong “thế giới tinh thần” của con người, tuy nhiên, nó vẫn được chấp nhận dựa trên “lẽ thường” về tình mẫu tử.

3.2. Quan hệ nguyên nhân xét theo trật tự nhân – quả giữa các mệnh đề
Nội dung mối quan hệ giữa các mệnh đề trong câu ghép nguyên nhân có mối quan hệ chặt chẽ với phép suy lí logic, vì vậy, mệnh đề phụ chỉ nguyên nhân đứng trước, mệnh đề chính chỉ hệ quả đứng sau là trật tự điển hình; nhưng về phương diện sử dụng thì hai trật tự này đều bình đẳng với nhau, sử dụng trật tự nào là do hoàn cảnh sử dụng và mục đích thông báo của người nói (phụ thuộc vào cấu trúc thông báo của câu). Căn cứ vào đó có thể chia kiểu quan hệ này thành hai loại: trật tự thuận  trật tự đảo ngược.

3.2.1. Quan hệ nguyên nhân có trật tự nhân trước, quả sau
Đây là trật tự thuận lôgic vì nó phản ánh đúng trình tự diễn biến theo thời gian của các sự việc. Bởi vì các sự việc khi có quan hệ nhân quả thường diễn biến theo trật tự thời gian: nguyên nhân là yếu tố xuất hiện trước còn kết quả xuất hiện sau. Mặt khác, việc thể hiện trật tự nhân trước, quả sau còn là cách đơn giản nhất để tổ chức phát ngôn thuận tiện và giản dị, phù hợp với quy luật logic của sự tiếp nhận. Ví dụ:
(10) Mặt trăng mới chênh chếch bắt đầu lên, nên trời đất còn tối mù mịt.
                                                               (Vũ Trọng Phụng, Giông tố)
(11) Bởi thày u tôi mắc nợ nên tôi mới phải chịu khổ thế này.
                                                                     (Thạch Lam, Đứa con)
Trong các ví dụ trên, mệnh đề nguyên nhân đứng trước, mệnh đề hệ quả (phần được in đậm) đứng sau. Xét theo thứ tự xuất hiện của các sự việc có thể nhận thấy sự việc được nêu ở mệnh đề nguyên nhân xuất hiện trước và trở thành yếu tố làm nảy sinh sự việc ở mệnh đề hệ quả xảy ra sau đó. Ngoài ra, xét về phương diện thông tin, cũng có thể thấy ở đây người nói đã chọn nguyên nhân làm xuất phát điểm cho sự nhận định của mình và để phần có giá trị thông báo thực sự ra sau. Như vậy, trong sự so sánh với mệnh đề đứng trước thì mệnh đề đứng sau được xem là có chức năng thông báo quan trọng hơn.  

3.2.2. Quan hệ nguyên nhân có trật tự trật tự quả trước, nhân sau
Như đã nói, trong câu ghép nguyên nhân, trật tự nhân – quả (nhân trước, quả sau) được coi như là một trật tự ưu tiên. Song, đó không phải là một quy tắc bắt buộc: tùy theo cách đánh giá của người nói, cách thể hiện nội dung thông tin mà trật tự này có thể đảo ngược, khi đó mệnh đề biểu thị quan hệ nguyên nhân sẽ đứng sau, tạo ra kiểu quan hệ quả – nhân (sự việc – nguyên nhân). Về điều này, giáo sư Hoàng Trọng Phiến đã khẳng định: “Việc đặt vị trí nhân – quả hay quả – nhân không chỉ tuân thủ theo trật tự lôgic của quá trình nhận thức mà còn phụ thuộc vào ý định chủ quan của người nói muốn nhấn mạnh đến nhân hay quả, đến hiện tượng hay kết luận”. [6, tr274] Ví dụ:
(12) Cái tráp nặng nó giật râu ông đánh nhói (…) Ông vội vàng nâng lấy tráp và nâng bằng cả hai tay, vì nó nặng quá.
                                                           (Nguyễn Công Hoan, Nạn râu)
(13) Những đêm sáng trăng, mùa hạ, cả phố bắc chõng ngồi ngoài đường vì trong nhà nào cũng nóng như một cái lò và hàng vạn con muỗi vo ve.
                                                               (Thạch Lam, Nhà mẹ Lê)
Có thể nhận thấy ở ví dụ (12), ông vội vàng nâng lấy tráp và nâng bằng cả hai tay là mệnh đề chính chỉ hệ quả, biểu thị một thông tin đã biết, được suy ra từ ngữ cảnh nhờ phát ngôn đi trước được bố trí đứng trước, còn mệnh đề phụ chỉ nguyên nhân vì nó nặng quá được đặt ở sau. Với việc thể hiện trật tự như vậy, người nói để cho sức mạnh thông báo của câu rơi vào mệnh đề phụ chỉ nguyên nhân. Điều này, vừa dễ dàng tạo ra sự liên kết đối với phát ngôn đi trước, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sự triển khai từ tin cũ sang tin mới, đồng thời làm cho thông tin mới đứng sau được nổi bật hơn, gây sự chú ý cho người đọc. Ví dụ (13), với việc để mệnh đề hệ quả những đêm sáng trăng, mùa hạ, cả phố bắc chõng ngồi ngoài đường đứng trước, mệnh đề nguyên nhân vì trong nhà nào cũng nóng như một cái lò và hàng vạn con muỗi vo ve đứng sau, người nói đã tạo được điểm nhấn cho nội dung được truyền đạt. Lúc này, mệnh đề nguyên nhân, ngoài việc mang tiêu điểm thông báo cho cả câu, nó còn có tác dụng giải thích cho sự việc được nêu ở mệnh đề hệ quả.

3.3. Quan hệ nguyên nhân xét theo tính chất khách quan – chủ quan
Các mệnh đề trong câu ghép nguyên nhân có thể biểu đạt quan hệ nhân quả của thế giới hiện thực, tồn tại khách quan, cũng có thể biểu đạt quan hệ nhân quả tồn tại trong thế giới tinh thần của con người. Theo phương diện này, quan hệ nguyên nhân sẽ được chia thành: quan hệ nguyên nhân phản ánh hiện thực khách quan  quan hệ nguyên nhân phản ánh nhận thức, tư duy con người.  Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng sự phân chia này cũng chỉ mang tính tương đối. Bởi lẽ, dù là nguyên nhân tồn tại khách quan nhưng khi được phản ánh vào trong câu thì phần nhiều nó đã mang màu sắc chủ quan của người nói, do phụ thuộc vào điểm nhìn, sự tri nhận, phụ thuộc vào nhiệm vụ và vai trò thông báo trong những hoàn cảnh nhất định. Hay dù là nguyên nhân thuộc về sự suy luận của người nói thì bắt buộc nguyên nhân đó vẫn phải được xây dựng dựa trên những tri thức nền, đó là những hiểu biết hay những gì mà người nói đã trải nghiệm trong cuộc sống được đúc kết lại và phản ánh bằng sự suy luận của chính anh ta.

3.3.1. Quan hệ nguyên nhân phản ánh thế giới hiện thực khách quan
Chủ nghĩa duy vật biện chứng đã khẳng định: không có sự vật, hiện tượng nào trong thế giới vật chất lại không có nguyên nhân. Tính nguyên nhân, trước hết là bản chất của thực tiễn, nó không phụ thuộc vào ý thức con người, tuy nhiên, nó được con người tri giác và phản ánh vào ngôn ngữ. Mối liên hệ này chỉ ra sự tác động lẫn nhau giữa hai mặt, trong đó nguyên nhân là mặt chỉ ra sự tác động giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau, gây ra một biến đổi nhất định nào đó với kết quả – là mặt chỉ những biến đổi xuất hiện do sự tác động của chính những nguyên nhân đó đem lại. Có thể cho rằng, quan hệ này phần nào xuất phát từ quan hệ kế tiếp, sự vật này xuất hiện sau sự vật kia, sự vật này tồn tại hay biến đổi là do sự chi phối hay tác động của sự vật kia. Chúng tồn tại trong thực tế mà người nói khi nhận thức và phản ánh vào ngôn ngữ thì dễ dàng được người nghe chấp nhận như một lẽ tất yếu. Ví dụ:
(14) Vì đường trơn nên tôi bị ngã.
(15) Cái quạt điện đang quay, nên tờ giấy bay veo.   (Nam Cao, Nước mắt)
(16) Mua muối khó quá cho nên ở Phìn – sa có người không biết ăn muối bao giờ.                                                       (Tô Hoài, Miền tây)
Đây là những câu ghép diễn đạt quan hệ nguyên nhân diễn ra trong thực tế, trong đó mệnh đề đi trước nêu nguyên nhân, mệnh đề đi sau chỉ hệ quả – hệ quả này khẳng định tính tất yếu do nguyên nhân sinh ra. 

3.3.2. Quan hệ nguyên nhân phản ánh thế giới tinh thần của con người
Quan hệ này thể hiện ở chỗ: nó không tồn tại hiển nhiên, mang tính tất yếu của các sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan mà tồn tại trong lĩnh vực tinh thần, thuộc về nhận thức, tư duy của con người. Nói cách khác, nó là quan hệ nhân – quả giữa các hành động tâm lí, hay cũng có thể có gốc từ hiện thực khách quan nhưng được con người nhận thức theo cách riêng của mình, cho nên nó thiên về suy lí, suy luận và gần với quan hệ lập luận. Theo đó, mệnh đề nguyên nhân được xem xét trong tương quan với một luận cứ và mệnh đề hệ quả có thể coi là một kết luận. Như vậy, mỗi câu ghép có quan hệ nguyên nhân diễn tả theo mạch suy luận của người nói sẽ được hiểu như một lập luận gồm tối thiểu là một luận cứ và một kết luận. Từ đó, có thể thấy, sự khác nhau giữa quan hệ nguyên nhân phản ánh quá trình nhận thức, tư duy con người và quan hệ nguyên nhân phản ánh hiện thực khách quan là: nếu như quan hệ nguyên nhân khách quan phản ánh mối liên hệ nhân – quả giữa các sự vật xảy ra trong “thế giới hiện thực”, mang tính khách quan, thì quan hệ nguyên nhân phản ánh quá trình nhận thức, tư duy chủ yếu phản ánh mối quan hệ nhân – quả thuộc “thế giới tinh thần” của người nói nên mang đậm dấu ấn chủ quan. Ví dụ:
(17)  ông không là Mịch, nên ông không thể hiểu sự xót xa của Mịch được.
                                                            (Vũ Trọng Phụng, Giông tố)
(18) Anh không dám gọi người ấy là quan lớn nữa,  anh cho là người ở cái nhà này phải sang trọng, gớm ghê hơn ông quan lớn mà anh tưởng tượng trong óc anh.                                               (Nguyễn Công Hoan, Mua lợn)
Ở ví dụ (17), mệnh đề nguyên nhân ông không là Mịch biểu thị một ý nghĩa hàm ẩn được suy ra là: ông không phải trải qua những đau khổ, bất hạnh như Mịch. Và điều này trở thành nguyên nhân dẫn đến việc ông không thể hiểu được sự xót xa của cô ấy. Lúc này, quan hệ giữa hai mệnh đề đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra: cái đi trước – mệnh đề nguyên nhân là yếu tố đủ để kéo theo cái đi sau – mệnh đề hệ quả. Ở ví dụ (18), việc anh cho là người ở cái nhà này phải sang trọng, gớm ghê hơn ông quan lớn mà anh tưởng tượng trong óc anh nhưng thực tế lại trái ngược với những gì anh ta tưởng tưởng, vì thế nó trở thành nguyên nhân khiến anhkhông dám gọi người ấy là quan lớn nữa. Quan hệ giữa hai mệnh đề của câu ghép này diễn ra theo chiều hệ quả → nguyên nhân.

Những sự việc được thể hiện ở hai mệnh đề trong mỗi ví dụ trên, thực tế có thể có gốc từ hiện thực khách quan nhưng thông qua sự suy luận, qua cách đánh giá của người nói và quan trọng là người nói đã tìm ra được mối liên hệ nhân quả giữa chúng nên nó thuộc về nhận thức, về tư duy chứ không còn thuộc về hiện thực khách quan.

3.4. Quan hệ nguyên nhân xét theo mức độ phức hợp của kiểu quan hệ
Nguyên nhân sinh ra kết quả khá phức tạp, do nó còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Một nguyên nhân có thể chỉ làm nảy sinh một kết quả tương ứng, nhưng cũng có thể làm nảy sinh nhiều kết quả khác nhau. Ngược lại, một kết quả có thể suy ra từ một nguyên nhân, cũng có thể suy ra từ nhiều nguyên nhân. Do đó, theo độ phức tạp, có thể chia câu ghép nguyên nhân thành hai kiểu: quan hệ nguyên nhân đơn  quan hệ nguyên nhân phức hợp.

3.4.1. Quan hệ nguyên nhân đơn
Đây là kiểu quan hệ mà mỗi câu ghép chỉ gồm có hai mệnh đề, trong đó, một mệnh đề chỉ nguyên nhân và một mệnh đề chỉ hệ quả. Trật tự của hai mệnh đề có thể là: nguyên nhân → hệ quả hoặc hệ quả → nguyên nhân, tùy thuộc vào vai trò và nhiệm vụ thông báo trong những hoàn cảnh giao tiếp nhất định. Giữa hai mệnh đề có thể có hoặc không xuất hiện các từ vì, do, bởi, tại, bởi vì, cho nên, mà… Trường hợp không sử dụng các từ diễn đạt kiểu quan hệ trên thì tính thời gian: trật tự A (nguyên nhân) kéo theo B (kết quả) là cố định. Ví dụ:
(19) Tại anh đã học trường thuốc nên thơ của anh cũng có mùi khoa học chứ gì?                                                       (Vũ Trọng Phụng, Số đỏ)
(20) Đối với ông Nghị, con là chỗ đầy tớ, con sợ lắm.
                                                            (Nguyễn Công Hoan, Tinh thần thể dục)
Đây là những câu ghép có quan hệ nguyên nhân đơn: mệnh đề nguyên nhân và mệnh đề hệ quả có sự tương ứng 1 – 1 (sự việc nêu ở mệnh đề đứng trước là nguyên nhân dẫn đến hệ quả tương ứng ở mệnh đề đứng sau), tuy rằng hai ví dụ này có sự phân biệt giữa một bên là quan hệ hiển lộ: được diễn đạt ra bằng cặp quan hệ từ tại… nên (ví dụ 19) với một bên là quan hệ hàm ẩn: diễn đạt thông qua sự suy lí logic – sự việc nêu ở mệnh đề đi trước là điều kiện cần và đủ để trở thành nguyên nhân làm nảy sinh sự việc nêu ở mệnh đề đi sau (ví dụ 20).

3.4.2. Quan hệ nguyên nhân phức hợp
Đây là kiểu câu ghép phản ánh mối quan hệ nguyên nhân theo kiểu: một nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ quả hoặc ngược lại nhiều hệ quả được suy ra từ một nguyên nhân… Điều này vừa phản ánh tính chất phức hợp về mối quan hệ nguyên nhân của các sự việc, vừa phản ánh mối quan hệ phức tạp, nhiều chiều trong nhận thức, tư duy của con người. Sự phức tạp này, khi được thể hiện trong câu ghép, bắt buộc phải diễn đạt bằng nhiều mệnh đề. Giữa các mệnh đề có thể xuất hiện các quan hệ từ đánh dấu kiểu quan hệ hoặc có thể không.

Trong quá trình khảo sát ngữ liệu, chúng tôi thấy xuất hiện một số kiểu quan hệ nguyên nhân phức hợp sau đây:
  –  Một nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ quả. Ví dụ:
(21) Tiếng “cho” là một tiếng chưa có ai hân hạnh được nghe phát ra ở miệng của Nghị Lại, vì vậy, khi nói đến nó, ông dằn rõ to, và cũng vì vậy, cả bốn con mắt của vợ chồng Pha nhìn lại ông, như nhìn một cái kì quan vậy.
                                                      (Nguyễn Công Hoan, Bước đường cùng)
Ví dụ trên có ba mệnh đề, giữa các mệnh đề có quan hệ nhân – quả với nhau, trong đó mệnh đề đứng trước nêu nguyên nhân, còn hai mệnh đề đi sau chỉ hệ quả được nảy sinh từ nguyên nhân đó. Theo cách đánh giá của người nói thì vì trước đây Nghị Lại chưa bao giờ nói ra tiếng cho với một ai, cho nên bây giờ nói đến nó, ông dằn rõ to đến nỗi cả bốn con mắt của vợ chồng Pha nhìn lại ông, như nhìn một cái kì quan. Quán ngữ “vì vậy” được dùng ở đây như là tín hiệu ngôn ngữ đánh dấu các mệnh đề, đồng thời giữ vai trò trong việc chỉ ra hệ quả trong mối quan hệ với nguyên nhân được nêu ở mệnh đề trước. Trong hai mệnh đề chỉ hệ quả đi sau thì mệnh đề hệ quả thứ hai mang thông tin quan trọng hơn, nó được đánh dấu bằng phụ từ tình thái mang ý nghĩa nhấn mạnh “cũng” (cũng vì vậy). Cả ba sự việc được thể hiện ở ba mệnh đề trong câu ghép này, mặc dù đều xảy ra trong hiện thực, nhưng nó không phản ánh quan hệ lôgich nhân – quả mang tính tất yếu mà được diễn đạt thông qua sự quan sát, tri nhận mang tính chủ quan của người nói.

 –  Một hệ quả được suy ra từ nhiều nguyên nhân. Ví dụ:
(22) Cái chết của cha tôi quá đột ngột, chẳng ai rõ nguyên nhân nên mặc sức người nào người nấy thêu dệt tùy theo trí tưởng tượng của mình
                                                                   (Lê Minh Nhựt, Nọc rắn)
(23) Vậy mà chỉ một lần bầu trời vần vũ đi qua, nó miết xuống như khoét vào nền đất, đàn gà mỏng manh ấy tung lên như cát bụi.
                                                           
(Nam Ninh, Chuyện không viết trong báo cáo)
Đây là những câu ghép có ba mệnh đề, trong đó hai mệnh đề đứng trước được xem như là những nguyên nhân tác động làm xuất hiện hệ quả được nêu ở mệnh đề sau cùng. Ở (22), quan hệ nhân – quả được đánh dấu thông qua quan hệ từ “nên” ở đầu mệnh đề thứ ba – mệnh đề hệ quả. Còn ở (23), mối quan hệ nhân quả được gắn với trật tự thời gian, cụ thể hai sự việc: bầu trời vần vũ đi qua (mệnh đề 1) và nó miết xuống như khoét vào nền đất (mệnh đề 2) được xem như hai nguyên nhân diễn ra đồng thời khiến cho sự việc xảy ra sau đó trở thành hệ quả đàn gà mỏng manh ấy tung lên như cát bụi (mệnh đề 3)

  –  Nguyên nhân thứ nhất dẫn đến hệ quả thứ nhất, hệ quả thứ nhất là nguyên nhân nảy sinh hệ quả thứ hai. Ví dụ:
(24) Hiện nay, vì chúng ta không để ý đến những việc khá quan trọng này, cho nên ở nhiều ngành, người ta “nhập” rất nhiều chữ mới, một cách vô tội vạ, người thường nghe chẳng hiểu gì.
                                                       (Phạm Văn Đồng, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt)                                              
(25) Ngày ấy, chưa có lệnh cấm lối quảng cáo các bài trong tờ báo bằng mồm, cho nên trẻ con rao ầm ĩ, khách qua đường ai nghe thấy cũng bỏ ra hai xu để mua.
                                                  (Nguyễn Công Hoan, Ông chủ báo chẳng bằng lòng)
Chúng tôi gọi đây là câu ghép diễn đạt quan hệ nguyên nhân móc xích: sự việc ở mệnh đề thứ nhất là nguyên nhân nảy sinh sự việc chỉ hệ quả ở mệnh đề thứ hai, sự việc ở mệnh đề thứ hai tiếp tục trở thành nguyên nhân làm xuất hiện sự việc chỉ hệ quả ở mệnh đề thứ ba. Theo chúng tôi, những câu ghép thuộc kiểu này vừa phản ánh quan hệ nguyên nhân, vừa phản ánh quan hệ thời gian. Vì vậy, trình tự sắp xếp các mệnh đề đặc biệt quan trọng bởi nó xác định sự việc nào xảy ra trước, sự việc nào xảy ra sau, đồng thời sự việc nào trở thành nguyên nhân của sự việc nào. Chẳng hạn, ở ví dụ (24), thì việc chúng ta không để ý…quan trọng này ở mệnh đề thứ nhất phải xảy ra trước và là nguyên nhân tác động đến sự việc chỉ hệ quả ở nhiều ngành, người ta “nhập”… vô tội vạ ở mệnh đề thứ hai và vì người ta…vô tội vạ nên dẫn tới hệ quả xảy ra kế tiếp nêu ở mệnh đề thứ ba người…chẳng hiểu gì; ví dụ (25) nguyên nhân nêu ở mệnh đề đầu tiên chưa có lệnh cấm…bằng mồm sinh ra hệ quả nêu ở mệnh đề thứ hai trẻ con…ầm ĩ và chính hệ quả này lại trở thành nguyên nhân được nêu ở mệnh đề thứ ba khách qua đường…mua.

4. Kết luận
4.1. Câu ghép nguyên nhân là một kiểu câu được sử dụng khá phổ biến trong văn bản nghệ thuật và cả trong giao tiếp hàng ngày. Nó là phương tiện diễn đạt những sự vật, sự việc, hiện tượng… trong thế giới hiện thực và thế giới tinh thần của con người được đặt ra trong những mối quan hệ nhân quả với nhau. Các mối quan hệ này lại là cơ sở để tạo nên các mệnh đề của câu ghép khi chúng được hiện thực hóa bằng các yếu tố ngôn ngữ cụ thể. Càng khảo sát và tìm hiểu quan hệ nguyên nhân giữa các mệnh đề trong câu ghép tiếng Việt thì những mối quan hệ nghĩa phức tạp nhưng không kém phần độc đáo được ẩn sau lớp ngôn từ bề mặt của các phát ngôn càng được hé mở, càng thấy được sự tinh tế trong cách diễn đạt của người Việt.
4.2. Việc tìm ra những kiểu quan hệ nguyên nhân mà chúng tôi trình bày trên đây sẽ là cơ sở bước đầu giúp chúng tôi tìm hiểu các kiểu quan hệ nghĩa tiếp theo trong câu ghép tiếng Việt.

KIẾN THỨC VỀ CÂU GHÉP

I – ĐẶC ĐIỂM CỦA CÂU GHÉP

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới.

Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rơi rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường.

Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã. Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.
(Thanh Tịnh, Tôi đi học)

1. Tìm các cụm C-V trong những câu in đậm.

2. Phân tích cấu tạo của những câu có hai hoặc nhiều cụm C-V.

3. Trình bày kết quả phân tích ở hai bước trên vào bảng theo mẫu sau:

Kiểu cấu tạo câu; Câu cụ thể

1. Câu có một cụm C-V.

2. Câu có hai hoặc nhiều cụm C-V:
– Cụm C-V nhỏ nằm trong cụm C-V lớn.
– Các cụm C-V không bao chứa nhau.
3. Trình bày kết quả phân tích ở hai bước trên vào bảng theo mẫu sau: Bảng gồm 2 cột như sau:
Cột (1): Kiểu cấu tạo câu; Cột (2): Câu cụ thể (…)
Câu có một cụm C-V;…
Câu có cụm C-V nhỏ nằm trong cụm C-V lớn;…
Câu có các cụm C-V không bao chứa nhau;…

4. Dựa vào những kiến thức đã học ở các lớp dưới, hãy cho biết câu nào trong những câu trên là câu đơn, câu nào là câu ghép.

Ghi nhớ
Câu ghép là những câu do hai hoặc nhiều cụm C-V không bao chứa nhau tạo thành. Mỗi cụm C-V này được gọi là một vế câu.

II – CÁCH NỐI CÁC VẾ CÂU
1. Tìm thêm các câu ghép trong đoạn trích ở mục I.
2. Trong mỗi câu ghép, các vế câu được nối với nhau bằng cách nào?
3. Dựa vào những kiến thức đã học ở các lớp dưới, hãy nêu thêm ví dụ về cách nối các vế câu trong câu ghép.

Ghi nhớ
Có hai cách nối các vế câu:

– Dùng những từ có tác dụng nối. Cụ thể:
+ Nối bằng một quan hệ từ;
+ Nối bằng một cặp quan hệ từ;
+ Nối bằng một cặp phó từ, đại từ hay chỉ từ thường đi đôi với nhau (cặp từ hô ứng).

– Không dùng từ nối: Trong trường hợp này, giữa các vế câu có dấu phẩy, dấu chấm phẩy hoặc dấu hai chấm.

III – LUYỆN TẬP

1. Tìm câu ghép trong các đoạn trích dưới đây. Cho biết trong mỗi câu ghép, các vế câu được nối với nhau bằng những cách nào.
a) – Dần buông chị ra, đi con! Dần ngoan lắm nhỉ! U van Dần, u lạy Dần! Dần hãy để cho chị đi với u, đừng giữ chị nữa. Chị con có đi, u mới có tiền nộp sưu, thầy Dần mới được về với Dần chứ! Sáng ngày người ta đánh trói thầy Dần như thế, Dần có thương không. Nếu Dần không buông chị ra, chốc nữa ông lí vào đây, ông ấy trói nốt cả u, trói nốt cả Dần nữa đấy.
(Ngô Tất Tố, Tắt đèn)

b) Cô tôi chưa dứt câu, cổ họng tôi đã nghẹn ứ khóc không ra tiếng. Giá những cổ tục(14) đã đày đoạ mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thuỷ tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi.
(Nguyên Hồng, Những ngày thơ ấu)

c) Rồi hai con mắt long lanh của cô tôi chằm chặp đưa nhìn tôi. Tôi lại im lặng cúi đầu xuống đất: lòng tôi càng thắt lại, khoé mắt tôi đã cay cay.
(Nguyên Hồng, Những ngày thơ ấu)

d) Một hôm, tôi phàn nàn việc ấy với Binh Tư. Binh Tư là một người láng giềng khác của tôi. Hắn làm nghề ăn trộm nên vốn không ưa lão Hạc bởi vì lão lương thiện quá. Hắn bĩu môi và bảo:
– Lão làm bộ đấy!
(Nam Cao, Lão Hạc)

2. Với mỗi cặp quan hệ từ dưới đây, hãy đặt một câu ghép:
a) vì… nên… (hoặc bởi vì… cho nên…; sở dĩ… là vì…).
b) nếu… thì… (hoặc hễ… thì; giá… thì…).
c) tuy… nhưng… (hoặc mặc dù… nhưng…).
d) không những…mà…(hoặc không chỉ… mà…; chẳng những… mà…).

3. Chuyển những câu ghép em vừa đặt được thành những câu ghép mới bằng một trong hai cách sau:
a) Bỏ bớt một quan hệ từ.b) Đảo lại trật tự các vế câu.

4. Đặt câu ghép với mỗi cặp từ hô ứng dưới đây:
a)… vừa… đã… (hoặc… mới… đã;…chưa… đã…)
b)….đâu… đấy (hoặc…nào… nấy;… sao…. vậy…)
c)… càng… càng…

5. Viết một đoạn văn ngắn về một trong các đề tài sau (trong đoạn văn có sử dụng ít nhất là một câu ghép)
a) Thay đổi thói quen sử dụng bao bì ni lông.
b) Tác dụng của việc lập dàn ý trước khi viết bài tập làm văn.

KIẾN THỨC VỀ CÂU TRONG TIẾNG VIỆT

KIẾN THỨC VỀ CÂU TRONG TIẾNG VIỆT
I. CÂU ĐƠN
1) Khái niệm: 
Câu là một tập hợp từ ngữ kết hợp với nhau theo một quy tắc nhất định, diễn đạt một ý tương đối trọn vẹn, dùng để thực hiện một mục đích nói năng nào đó. 
2) Dấu hiệu nhận biết câu: 
Khi nói, câu phải có ngữ điệu kết thúc; khi viết, cuối câu phải đặt một trong các dấu câu: dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than.
3) Phân loại câu:
3.1. Câu kể:
a) Khái niệm: Câu kể (còn gọi là câu trần thuật) là những câu dùng để:
– Kể, tả hoặc giới thiệu về sự vật, sự việc.
– Nói lên ý nghĩa hoặc tâm tư, tình cảm. 
– Cuối câu kể đặtdấu chấm.
b) Câu đơn: Câu đơn là câu do một cụm chủ ngữ – vị ngữ (gọi tắt là cụm chủ vị) tạo thành.
VD: Mùa xuân // đã về.
CN VN
c, Các kiểu câu kể:
c.1. Câu kể Ai làm gì ?: Câu kể Ai làm gì ? được dùng để kể về hoạt động của người, động vật hoặc đồ vật (được nhân hoá).
VD: Người lớn đánh trâu ra cày. Các cụ già nhặt cỏ, đốt lá.
c.2. Câu kể Ai thế nào ?: Câu kể Ai thế nào ? được dùng để miêu tả về đặc điểm, tính chất hoặc trạng thái của người, vật.
VD: Bên đường, cây cối xanh um. Nhà cửa thưa thớt dần. Đàn voi bước đi chậm rãi.
c.3. Câu kể Ai là gì ?: Câu kể ai là gì ? được dùng để giới thiệu hoặc nêu nhận định về người, vật.
VD: – Lan là học sinh lớp Một.
– Môn học em yêu thích nhất là môn Tiếng Việt.
II. CÂU GHÉP
1. Khái niệm: 
Câu ghép là câu do nhiều vế câu ghép lại với nhau.
Vế câu trong câu ghép thường có cấu tạo giống câu đơn (là cụm chủ ngữ – vị ngữ). Giữa các vế câu ghép có những mối quan hệ nhất định.
Ví dụ: Hễ con chó / đi chậm, con khỉ cấu hai tai con chó giật giật. Con / chó chạy sải thì con khỉ / gò lưng như người phi ngựa.
2. Cách nối các vế câu trong câu ghép: có ba cách nối các vế trong câu ghép
a) Nối bằng từ ngữ có tác dụng nối.
b) Nối trực tiếp, không dùng từ ngữ có tác dụng nối. Trong trường hợp này, giữa các vế câu phải dùng dấu phẩy, dấu chấm phẩy hoặc dấu hai chấm.
VD: Cảnh tượng xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học
c) Nối các vế câu trong câu ghép bằng quan hệ từ: Giữa các vế câu trong câu ghép có nhiều kiểu quan hệ khác nahu. Để biểu thị những mối quan hệ đó, có thể sử dụng các quan hệ từ để nối các vế câu với nhau.
Để nối các vế câu trong câu ghép, có thể sử dụng:
c.1. Quan hệ từ: và, rồi, thì, nhưng, hay, hoặc, …
c.2. Các cặp quan hệ từ: 
– Vì … nên (cho nên) … ; do … nên (cho nên) …; bởi … nên (cho nên) …; tại … nên … (cho nên)… ; nhờ … mà … 
– Nếu … thì …; hễ .. thì … 
– Tuy … nhưng …; mặc dù … nhưng … 
– Chẳng những … mà còn …; không chỉ … mà còn …
– Để … thì …v.v.
3. Một số mối quan hệ giữa cá vế câu trong câu ghép
3.1. Quan hệ: Nguyên nhân – Kết quả:
Để thể hiện quan hệ nguyên nhân – kết quả giữa hai vế câu ghép, có thể sử dụng: 
– Quan hệ từ: vì, bởi vì, do, nên, cho nên. …
– Cặp quan hệ từ: vì … nên (cho nên), bởi vì … nên (cho nên), …
VD: Vì trời mưa to nên lớp em không lao động.
3.2. Quan hệ: điều kiện – kết quả; giả thiết – kết quả
Để thể hiện quan hệ điều kiện – kết quả; giả thiết – kết quả giữa hai vế câu trong câu ghép, có thể sử dụng; 
– Quan hệ từ: nếu, hễ, giá, thì, …
– Cặp quan hệ từ: nếu … thì …; hễ .. thì …; giá … htì …; hễ mà … thì …; …
VD: Nếu Nam chăm chỉ học tập thì cậu ấy sẽ đạt học sinh giỏi.
3.3. Quan hệ tương phản
Để thể hiện quan hệ tương phản giữa hai vế câu trong câu ghép, có thể sử dụng:
– Quan hệ từ: tuy, dù, mặc dù, nhưng, …
Cặp quan hệ từ: tuy … nhưng …, mặc dù … nhưng, dù … nhưng …
VD: Tuy bị đau chân nhưng bạn Nam vẫn đi học đều đặn.
3.4. Quan hệ tăng tiến
Để thể hiện quan hệ tăng tiến giữa các vế câu trong câu ghép, có thể sử dụng các cặp quan hệ từ:
– Không những … mà còn
– Không chỉ … mà còn
VD: Không những bạn Nam học giỏi mà bạn ấy còn hát rất hay.
3.5. Quan hệ mục đích
Để biểu thị quan hệ mục đích giữa các vế câu trong câu ghép, có thể sử dụng:
– Quan hệ từ: để, thì, …
– Cặp quan hệ từ: để … thì …
Ví dụ: Chúng em cố gắng học tập tốt để thầy cô và bố mẹ vui lòng.
4. Nối các vế câu trong câu ghép bằng cặp từ hô ứng.
Giữa các vế câu trong câu ghép có nhiều kiểu quan hệ khác nhau. Để thể hiện những mối quan hệ đó, ngoài các quan hệ từ, có thể sử dụng các cặp từ hô ứng để nối các vế câu với nhau.
Một số cặp từ hô ứng được dùng để nối các vế câu trong câu ghép:
– vừa … đã … ; chưa … đã …; mới … đã …; vừa … vừa …; càng … càng …
Ví dụ: Ngày chưa tắt hẳn, trăng đã lên rồi.
Trời càng nắng gắt, hoa giấy càng bồng lên rực rỡ.
– đâu … đấy; nào … ấy; sao … vậy; bao nhiêu … bấy nhiêu …; ai … nấy …; gì … ấy…
Ví dụ: Chúng tôi đi đến đâu, rừng ào ào chuyển động đến đấy.
Thuỷ Tinh dâng nước lên bao nhiêu, Sơn Tinh làm núi cao lên bấy nhiêu. VD: Tuy bị đau chân nhưng bạn Nam vẫn đi học đều đặn.
III. THÀNH PHẦN CÂU
1. Chủ ngữ: 
1.1. Khái niệm:
– Chủ ngữ là thành phần câu trả lời câu hỏi Ai ? hoặc Con gì ?, Cái gì ?
– Chủ ngữ thường do danh từ (hoặc cụm danh từ) tạo nên.
– Một câu có một hoặc nhiều chủ ngữ.
Ví dụ: Bãi Cháy, Sầm Sơn, Nha Trang, … đều là những bãi biển đẹp của nước ta.
1.2. Chủ ngữ trong câu kể Ai làm gì ?
– Trong câu kể Ai làm gì ?, chủ ngữ chỉ người, sự vật (con vật hay đồ vật, cây cối – thường được nhân hoá) – có hoạt động được nói đến ở vị ngữ.
Ví dụ: Thanh niên lên rẫy. Phụ nữ giặt giũ bên những giếng nước.
1.3. Chủ ngữ trong câu kể Ai thế nào ?
– Trong câu kể Ai thế nào ?, chủ ngữ chỉ sự vật cố đặc điểm, tính chất hoặc trạng thái được nói đến ở vị ngữ.
Ví dụ: Hà nội tưng bừng màu đỏ.
1.4. Chủ ngữ trong câu kể Ai là gì ?
– Trong câu kể Ai là gì ?, chủ ngữ chỉ sự vật được giới thiệu, nhận định ở vị ngữ.
VD: Văn hoá nghệ thuật cũng là mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.
2. Vị ngữ:
2.1. Khái niệm:
– Vị ngữ trả lời cho câu hỏi Làm gì ? Thế nào ? Là gì ?
– Vị ngữ thường do động từ hoặc cụm động từ, tính từ hoặc cụm tính từ; từ là + danh từ (hoặc cụm danh từ) tạo thành.
– Một câu có thể có một hoặc nhiều vị ngữ.
Ví dụ: Chúng em học, chơi, nghỉ ngơi theo thời gian hợp lí.
2.2. Vị ngữ trong câu kể Ai làm gì ?
Trong câu kể Ai làm gì ?, vị ngữ nêu lên hoạt động của người, sự vật (con vật, đồ vật, cây cối và chúng thường được nhân hoá).
Ví dụ: Thanh niên lên rẫy. Phụ nữ giặt giũ bên những giếng nước.
2.3. Vị ngữ trong câu kể Ai thế nào ?
– Trong câu kể Ai thế nào ? vị ngữ nêu lân đặc điểm, tính chất hoặc trạng thái của sự vật.
Ví dụ: Hà Nội tưng bừng màu đỏ.
2.4. Vị ngữ trong câu kể Ai là gì ? 
– Trong câu kể Ai là gì ?, vị ngữ thường giới thiệu, nhận định về sự vật.
– Vị ngữ trong câu kể Ai là gì ? thường nối với chủ ngữ bằng từ là.
Ví dụ: Bố em là bộ đội.
3. Trạng ngữ
3.1. Khái niệm:
– Trạng ngữ là thành phần phụ của câu, xác định thời gian, nơi chốn, nguyên nhân, mục đích, … của sự việc được nêu trong câu.
– Trạng ngữ trả lời cho câu hỏi: Khi nào ? Ở đâu ? Vì sao ? Để làm gì ?
Ví dụ: Ngày xưa, rùa có một cái mai láng bóng.
3.2. Các loại trạng ngữ:
a) Trạng ngữ chỉ nơi chốn:
– Trạng ngữ chỉ nơi chốn là thành phần phụ của câu làm rõ nơi chốn diễn ra sự việc nêu trong câu.
– Trạng ngữ chỉ nơi chốn trả lời cho câu hỏi ở đâu ?
Ví dụ: Trên cây, chim hót líu lo.
b) Trạng ngữ chỉ thời gian:
– Trạng ngữ chỉ thời gian là thành phần phụ của câu làm rõ thời gian diễn ra sự việc nêu trong câu.
– Trạng ngữ chỉ thời gian trả lời cho câu hỏi: Bao giờ ? Khi nào ? Mấy giờ ? …
Ví dụ: Sáng nay, chúng em đi lao động.
c) Trạng nhữ chỉ nguyên nhân:
– Trạng ngữ chỉ nguyên nhân là thành phần phụ của câu giải thích nguyên nhân sự việc hoặc tình trạng nêu trong câu.
– Trạng ngữ chỉ nguyên nhân trả lời cho câu hỏi: Vì sao ?, Nhờ đâu ?, Tại sao ?
Ví dụ: Vì rét, những cây bàng rụng hết lá.
d) Trạng ngữ chỉ mục đích:
– Trạng ngữ chỉ mục đích là thành phần phụ của câu làm rõ mục đích diễn ra sự việc nêu trong câu.
– Trạng ngữ chỉ mục đích trả lời cho câu hỏi: Để làm gì ? Nhằm mục đích gì ? Vì cái gì ? …
Ví dụ: Để đạt học sinh giỏi, Nam đã cố gắng chăm chỉ học tập tốt.
e) Trạng ngữ chỉ phương tiện:
– Trạng ngữ chỉ phương tiện là thành phần phụ của câu làm rõ phương tiện, cách thức diễn ra sự việc nêu trong câu.
– Trạng ngữ chỉ phương tiện thường mở đầu bằng từ bằng, với.
– Trạng ngữ chỉ phương tiện trả lời cho câu hỏi: Bằng cái gì ? Với cái gì ?
VD: Bằng một giọng chân tình, thaỳa giáo khuuyên chúng em cố gắng học tập.
IV. CÂU RÚT GỌN
– Trong giao tiếp, khi có đủ các điều kiện, người ta có thể lược bỏ bớt các thành phần của câu. Câu bị lược bỏ thành phần như vậy được gọi là câu rút gọn (câu tỉnh lược).
Ví dụ: Nam rất thích xem đá bóng. Cả Bắc nữa.
– Thông thường, câu rút gọn hay được dùng trong hội thoại.
Ví dụ: – Cậu đi đâu đấy ?
– Đến trường. (Lược chủ ngữ)
– Cần chú ý khi sử dụng câu rút gọn với người lớn tuổi. Nếu không sẽ bị coi là vô lễ, mất lịch sự.
– Do được sử dụngtrong những điều kiện nhất định nên câu rút gọn có thể được khôi phục lại thành câu đầy đủ thành phần.
V. CÂU HỎI
1. Khái niệm:
Câu hỏi (câu nghi vấn) là câu dùng để hỏi về những điều chưa biết.
2. Các hình thức của câu hỏi:
– Câu hỏi có các từ dùng để hỏi (các từ nghi vấn) như: ai, gì, nào, thế nào, …; có …không, đã … chưa, v.v; từ “hay” chỉ ý lựa chọn.
– Khi viết, cuối câu hỏi có dâu chấm hỏi (?)
– Phần lớn các câu hỏi dùng để hỏi người khác nhưng cũng có câu hỏi đặt ra để tự hỏi mình.
3. Dùng câu hỏi vào mục đích khác:
– Câu hỏi là câu dùng để hỏi về những điều chưa biết, nhưng cũng có khi câu hỏi được dùng vào mục đích khác.
Cụ thể: 
+ Có thể dùng câu hỏi để thể hiện thía độ khen, chê
VD: Sao cậu lười học thế ?
+ Có thể dùng câu hỏi để thể hiện sự khẳng định, phủ định. 
Ví dụ: Cậu không làm thì ai làm đây ?
+ Có thể dùng câu hỏi để thể hiện yêu cầu, mong muốn
VD: Cậu có thể cho mình mượn cái bút có được không ?
+ Có thể dùng câu hỏi để thể hiện mệnh lệnh
VD: Có phá hết các vòng vây đi không ?
4. Giữ phép lịch sự khi đặt câu hỏi
Khi hỏi người khác cần giữ phép lịch sự, cụ thể:
– Cần thưa gửi, và xưng hô có ngữ điệu hỏi cho phù hợp với quan hệ mình với người được hỏi.
– Cần tránh những câu hỏi làm phiền lòng người khác.
VI. CÂU KHIẾN
1. Khái niệm:
Câu khiến (câu cầu khiến) là câu dùng để nêu yêu cầu, đề nghị, mang muốn,… của người nói, người viết đoói với người khác.
2. Các hình thức của câu khiến 
– Về mặt hình thức, câu khiến có mặt các từ như: hãy, đừng, chớ ở trước động từ, các từ: đi, thôi, nào ở sau động từ; nhưng cũng có những câu khiến không có những từ đó.
– Khi viết, cuối câu khiên có dấu chấm than (!) hoặc dấu chấm (.)
Ví dụ: Hãy gọi người hàng hành vào cho ta !
Mẹ mời sứ giả vào đây cho con !
3. Giữ phép lịch khi yêu cầu, đề nghị
Khi yêu cầu, đề nghị phải giữ phép lịch sự, cụ thể:
– Cần thưa gửi, xưng hô và có ngữ điệu phù hợp với quan hệ giữa mình với người được yêu cầu, đề nghị; có thể thêm vào câu khiến các từ ngữ như: làm ơn, giúp, dùm,…
– Để giữ phép lịch sự, có thể dùng câu hỏi để nêu yêu cầu, đề nghị.
VD: Bác có thể cho cháu ngồi nhờ một lát được không ạ ?
VII. CÂU CẢM
1. Khái niệm:
Câu cảm (câu cảm thán) là câu dùng để bộc lộ cảm xúc (vui mừng, thán phục, đau xót, ngạc nhiên, …) của người nói, viết.
2. Các hình thức của câu cảm
– Về mặt hình thức, câu cảm thường có những từ ngữ: ôi, chao, chà, trời, làm sao, quá, lắm, thật, ghê, …
– Khi viết, cuối câu cảm có dấu chấm than (!)
VIII. LIÊN KẾT CÂU
– Trong bài văn, đoạn văn, các câu phải có mối liên kết với nhau chặt chẽ
– Có các hình thức liên kết câu với nhau:
+ Liên kết câu bằng cách lặp từ ngữ
+ Liên kết câu bằng cách thay thế từ ngữ.
+ Liên kết câu bằng các từ nối
1. Liên kết câu bằng cách lặp từ ngữ
– Để liên kết một câu với câu đứng trước nó có thể lặp lại trong câu ấy những từ ngữ đã xuất hiện ở câu đứng trước.
VD: Niềm tự hào chính đáng của chúng ta trong nền văn hoá Đông Sơn chính là bộ sưu tập trống đồng hết sức phong phú. Trống đồng Đông Sơn đa dạng không chỉ về hình dáng, kích thước mà cả về phong cách trang trí, sắp xếp văn hoa.
– Việc liên kế câu bằng cách lặp từ ngữ còn có tác dụng nhấn mạnh vào sự vật, sự việc được nói đến trong đoạn văn, bài văn.
2. Liên kết câu bằng cách thay thế các từ ngữ
– Để liên kết một câu với câu đứng trước nó, có thể thay thế những từ ngữ đã xuất hiện ở câu đứng trước.
– Việc thay thế có thể thực hiện bằng các phương tiện
+ Các đại từ: 
VD: Dân ta có có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta.
+ Các từ ngữ đồng nghĩa hoặc các từ ngữ cùng chỉ một sự vật, sự việc.
Ví dụ: Đã mấy năm vào Vương phủ Vạn Kiếp, sống gần Hưng Đạo Vương, chàng thư sinh họ Trương thấy Ông luôn điềm tĩnh. Không điều gì khiên vị Quốc công Tiết chế có thể rối trí. Vị Chủ tướng tài ba không quên một trong những điều hệ trọng để làm nên chiến thắng là phải cố kết lòng người. 
– Thay thế từ ngữ, ngoài việc liên kết câu, còn có tác dụng rút ngắn độc dài văn bản (thay thế bằng đại từ), làm cho cách diễn đạt đa dạng, tránh lỗi lặpc từ, đồng thời thể hiện được cách đánh giá khác nhau của người nói (người viết) về đối tượng. 
3. Liên kết câu bằng từ ngữ nối
– Để liên kết một câu với câu đứng trước nó có thể sử dụng các quan hệ từ hoặc các từ ngữ chuyên dùng kết nối, như: và, rồi, nhưng, tuy nhiên, cuối cùng, mặt khác, trái lại, đồng thời, thứ nhất, kết quả là, …
– Sử dụng các quan hệ từ và các từ ngữ kết nối chuyên dụng, ngoài để liên kết câu, còn có tác dụng thể hiện rõ ràng moói quan hệ về nội dung giữa các câu.
IX. DẤU CÂU
1. Khái niệm: 
Dấu câu là kí hiệu dùng để thể hiện những mối quan hệ ngữ pháp khác nhau hoặc thể hiện ngữ điệu khác nhau của mục đích nói.
2. Thể hiện những quan hệ ngữ pháp khác nhau:
– Tuỳ theo vị trí của dấu phẩy mà ý nghĩa của câu sau được thể hiện khác nhau:
VD: Trâu cày, không được thịt. (không dược phép thịt)
Trâu cày không được, thịt. (được phép thịt)
– Thể hiện ngữ điệu khác nhau của mục đích nói: một câu được đánh dấy câu khác nhau, được đọc bằng những gữ điệu và thuộc về kiểu câu khác nhau theo mục đích nói.
Ví dụ: Đẹp không ! (câu cảm)
Đẹp không ? (câu hỏi)
– Các dấu câu thường dùng: chấm, chấm hỏi, chấm than, chấm lửng, chấm phẩy, phẩy, gạch ngang, hai chấm, ngoặc đơn, ngoặc kép.
3. Các dấu câu:
3.1. Dấu chấm: 
– Dấu chấm được dùng đặt cuối câu trần thuật (câu kể).
– Dấu chấm khi dùng cuối đoạn văn, ngoài việc báo hiệu sự kết thúc câu trần thuật, nó còn báo hiệu sự kết thúc đoạn văn. Lúc này, dấu chấm còn được gọi là dấu chấm xuống dòng.
– Khi đọc câu có dấu chấm phải hạ giọng ở cuối câu, ngưng nghỉ lâu hơn dấu phẩy trước khi bắt đầu câu mới.
– Sau dấu chấm là một câu khác. Chữ đầu tiên sau dấu chấm phải viết hoa.
3.2. Dấu chấm hỏi:
– Dấu chấm hỏi là dấu câu được dùng đặt cuối câu hỏi (câu nghi vấn).
– Khi đọc câu có dấu chấm hỏi phải nhấn mạnh vào nội dung cần hỏi.
– Nếu sau dấu chấm hỏi là một câu khác thì chữ cái đầu tiên sau dấu chấm hỏi phải viết hoa.
– Khi một phần của câu hỏi có những từ để hỏi nhưng không phải là câu hỏi thì không dùng dấu chấm hỏi.
VD: Nó hỏi tôi mai có đi chơi với nó được không.
Văn học nghệ thuật là gì, xưa nay người ta định nghĩa nhiều rồi.
– Khi một phần của câu là câu hỏi được trích hoặc dẫn lại, thì vẫn sử dụng dấu chấm hỏi.
VD: Nó hỏi tôi: “Mai có đi chơi với tôi không ?”
3.3. Dấu chấm than:
– Dấu chấm than (!) được dùng để đặt cuối câu khiến và câu cảm.
VD: – Hãy cố lên !
– Giỏi quá !
– Sau dấu chấm than là một câu khác. Chữ cái đầu tiên sau dấu chấm than phải viết hoa.
– Dấu chấm than khi được đặt trong dấu ngoặc đơn (!) hoặc dùng cùng với dấu chấm hỏi trong ngoặc đơn (!?) dùng để biểu thị thái độ mỉa mai, hoài nghi.
3.4. Dấu ba chấm:
– Dấu ba chấm, còn gọi là dấu lửng hay dấu chấm lửng là dấu có ba chấm đặt nối tiếp nhau theo hàng ngang (…) thường dùng để biểu thị ý chưa nói hết hoặc đứt quãng.
– Dấu ba chấm được dùng trong các trường hợp sau:
+ Phản ánh trạng thái của hiện thực nhưkhoảng cách về không gian, thời gian, âm thanh kéo dài, đứt quãng.
VD: ù … ù … ù … tầm một lượt.
+ Biểu thị lời nói bị đứt quãng vì xúc động.
+ Biểu thị lời nói không tiện nói ra.
+ Để chỉ ra rằng người nói chưa nói hết, đặc biệt khi nêu ví dụ, liệt kê.
+ Biểu thị chỗ ngắt dài giọng, để giãn nhịp điệu câu văn với ý châm biếm, hài hước.
VD: Té ra công sự chỉ là … công toi.
+ Để chỉ rằng lời nói trực tiếp (trích lời dẫn) bị lược bớt một số câu. Khi đó, dâu ba chấm thườn đặt trong dấu ngoặc đơn () hoặc ngoặc vuông [].
3.5. Dấu chấm phẩy:
– Dấu chấm phẩy là dấu câu gồm một dấu chấm ở trên, dấu phẩy ở dưới (;), dùng để ngăn cách các vế câu hoặc một số thành phần câu.
– Dấu chấm phẩy dùng trong các trường hợp sau:
+ Đánh dấu ranh giới các vế của câu ghép có cấu tạo phức tạp, cụ thể là:
* Khi các vế có cấu tạo đối xứng nhau về nghĩa và hình thức.
VD: Chị Thuận nấu cơm cho anh em ăn, làm người chị nuôi tần tảo; chị chăm sóc anh em ốm và bị thương, làm người hộ lí dịu dàng. 
* Khi các vế có tác dụng bổ sung cho nhau.
VD: Sáng tạo là vấn đề qaun trọng; không sáng tạo không làm cách mạng được.
– Đánh dấu các yếu tố trong chuỗi liệt kê có cấu tạo phức tạp.
3.5. Dấu phẩy:
– Dấu phẩy là dấu câu dùng để tách các thành phần câu
a) Tách các thành phần cùng loại với nhau
VD: Nam, Bắc, Xuân là ba bạn học sinh giỏi nhất lớp. (Tách các chủ ngữ)
b) Tách các thành phần phụ với các thành phần chính
VD: Hôm qua, lớp em đi lao động. (Tách trạng ngữ với cụm chủ vị).
c) Tách phần giải thích với các từ ngữ dược giải thích
VD: Bạn Lan, lớp trưởng lớp 3A, vừa được nhà trường khen thưởng.
d) Tách các vế câu hép với nhau:
VD: Trời mưa càng to, đường càng ngập sau.
– Đôi khi người viết không dùng dấu phẩy với nguyên tắc trên mà dùng với dụng ý nào đó (dấu phẩy tu từ)
VD: Luôn mấy hôm, tôi thấy lão Hạc, chỉ ăn khoai.
Cối xay tre, nặng nề quay, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc.
3.5. Dấu hai chấm:
– Dấu hai chấm là dấu có dạng hai chấm :)), dùng trong câu có lời giải thích, lời dẫn trực tiếp hoặc liệt kê.
– Dấu hai chấm dùng để:
a) Báo hiệu điều trình bày tiếp theo mang ý giải thích, thuyết minh, cụ thể hoá ý nghĩa của phần câu đứng trước dấu hai chấm.
b) Báo hiệu sau dấu hai chấm là lời dẫn trực tiếp. Lời dẫn trực tiếp thường được đặt trong dấu ngoặc kép hoặc sau dấu gạch ngang.
Ví dụ: Vừa thấy tôi, lão báo ngay:
– Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ !
c) Dấu hai chấm đặt trước phép liệt kê
VD: Trong bể có rất nhiều loại cá: cá vàng, cá kiếm, cá ngựa vằn, …
3.6. Dấu ngoặc đơn:
– Dấu ngoặc đơn là dấu có dạng (), thường dùng để giải thích, chú thích.
– Dấu ngoặc đơn được dùng trong các trường hợp sau:
a) Đánh dấu các từ, cụm từ, câu coa tác dụng giải thích, minh hoạ, bổ sung làm sáng rõ ý nghĩa của các từ trong câu, trong văn bản.
b) Đánh dấu các từ ngữ chỉ nguồn gốc của phần trích dẫn.
3.7. Dấu ngoặc kép:
– Dấu ngoặc kép có dạng “”, được dùng trong lời dẫn trực tiếp hoặc để đánh dấu những từ ngữ cần được hiểu theo một nghĩa nào đó.
– Dấu ngoặc kép được dùng để:
a) Đánh dấu lời nói trực tiếp.
b) Đánh dấu các từ ngữ được hiểu theo nghĩa đặc biệt nào đó như hàm ý mỉa mai, hài hước.
c) Đánh dấu cụm từ cân được chú ý
d) Đánh dấu tên tác phẩm, tờ báo, tạp chí, tập san, …(xuất bản phẩm) được dẫn.
– Trong văn bản in, các từ ngữ nói trên được in nghiêng, in đậm, tức là đã “đánh dấu” rồi thì có thể không cần dấu ngoặc kép.
– Lời trích dẫn chỉ được đặt trong dấu ngoặc kép khi được dẫn lại nguyên bản, không thêm bớt từ ngữ; còn nếu được dẫn lại không đầy đủ nguyên văn hoặc đã được sửa chữa theo ý người nói, thì không đặt trong dấu ngoặc kép.
VD: Mẹ tôi hỏi: “Con đã nhận ra lỗi của con chưa ?” (dẫn nguyên văn)
3.8. Dấu gạch ngang:
– Dấu gạch ngang là dấu dưới dạng một nét ngang (-), dùng để đánh dấu bộ phận được giải thích, chú thích, lời nói trực tiếp (lời thoại), …
– Dấu gạch ngang dùng trong các trường hợp sau:
a) Đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích trong câu.
VD: Chồng chị – anh Nguyễn Văn Dậu – tuy mới 26 tuổi nhưng đã học nghề làm ruộng đến mươi bảy năm.
b) Đặt đầu dòng để đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật
c) Đặt trước những bộ phận được liệt kê, mỗi bộ phận được trình bày thành những dòng riêng.
d) Đặt giữa hai (hoặc nhiều) tên riêng, giữa các con số để biểu thị quan hệ nào đó.

Soạn bài Câu ghép

SOẠN BÀI CÂU GHÉP, SIÊU NGẮN 1

I. ĐẶC ĐIỂM CỦA CÂU GHÉP

Câu 1 + 2: Chỉ ra và phân tích cấu trúc ngữ pháp của các cụm  C – V trong câu in đậm
Tôi // quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy/ nảy nở trong lòng tôi (như )
CN           VN                                            C                                                  V                       QHT
mấy cành hoa tươi / mỉm cười giữa bầu tời quang đãng
C                                             V
Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi// âu yếm nắm tay
TN                                                 CN
tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp
                     VN
Cảnh vật chung quanh tôi //đều có sự thay đổi, (vì) chính lòng tôi / đang có sự thay
               CN                                       VN                         C                           V
đổi lớn: hôm nay tôi / đi học
       C         V

Câu 3:

Kiểu cấu tạo câuCâu cụ thể
Câu có một cụm C-V  Câu 2
Câu có hai hoặc nhiều cụm C-VCụm C-V nhỏ nằm trong cụm C-V lớnCâu 1
Các cụm C –V không bao chứa nhauCâu 3

Câu 4.
Câu 1 là câu đơn
Câu 2 là câu phức
Câu 3 là câu ghép

II.CÁCH NỐI CÁC VẾ CÂU

Câu 1.
(1) Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường.
(2) Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy vì hồi ấy tôi chưa biết ghi và ngày nay tôi cũng không nhớ hết
(3) Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ

Câu 2: Các vế câu được nối với nhau bằng quan hệ từ: và, vì, nhưng
Câu 3: Lấy ví dụ
Mặc dù điều kiện gia đình nhà Lan khó khăn( nhưng) Lan vẫn luôn chăm chỉ học hành

III. LUYỆN TẬP

Câu 1

CâuCâu ghépCách nối vế câu
aU van Dần, u lạy DầnDấu phẩy
Chị con có đi, u mới có tiền nộp sưu, thầy Dần mới được về với Dần chứDấu phẩy
Sáng người ta đánh trói thầy Dần như thế, Dần có thương khôngDấu phẩy
Nếu dần không buông chị ra, chốc nữa ông lí vào đây, ông ấy trói nốt cả u, trói nốt cả Dần nữa đấyDấu phẩy
bCô tôi chưa dứt câu, cổ họng tôi đã nghẹn ứ khóc không ra tiếngDấu phẩy
Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi …mới thôiCặp quan hệ từ “giá … thì”
cTôi lại im lặng cúi đầu xuống đất: lòng tôi càng thắt lại, khóe mắt tôi cay cayDấu hai chấm, dấu phẩy
dHắn làm nghề ăn trộm nên vốn không ưa lão Hạc bởi vì lão lương hiện quáQuan hệ từ: nên, vì

Câu 2
a. Vì sang mùa thu nên buổi sáng trời thường có sương
b. Nếu tôi chăm chỉ học thì tôi sẽ đạt điểm cao
c. Tuy là giáo viên trẻ nhưng cô Lan đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh
d. Không những Nam là lớp phó mà còn kiêm luôn chức bí thư của lớp

Câu 3
– Tôi chăm chỉ học thì tôi sẽ đạt điểm cao
– Cô Lan là giáo viên trẻ nhưng cô đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh
🡺 Bỏ bớt một quan hệ từ
– Sương thường xuất hiện vào buổi sáng mùa thu
– Tôi đạt điểm cao vì tôi chăm chỉ học
🡺 Đảo lại trật tự các vế câu

Câu 4
a.  Tôi vừa về quên, mẹ tôi đã dọn sẵn những món ăn ngon trên mâm cơm, mừng tôi trở về
b. Tôi đi đến đâu là đứa em lại theo chân tới đấy
c. Trăng càng tròn, trời đêm càng sáng

Câu 5

a. Chúng ta không thể phủ nhận sự tiện lợi của bao bì ni lông. Bao bì ni lông không những nhỏ gọn, tiện lợi mà giá rẻ nên nó được người dân sử dụng nhiều. Thay vì dùng những chất liệu cồng kềnh, người ta đều sử dụng bao bì ni lông khi đựng đồ đi chợ như: Thịt, rau, cá,…Nếu chúng ta vẫn giữ thói quen sử dụng bao bì ni lông hàng ngày thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Ngay từ giờ mỗi người phải thay đổi cách sử dụng bao bì ni lông bằng việc dùng những chất liệu dễ phân hủy như giấy, vải. Không những thế, mỗi chúng ta chỉ nên sử dụng bao bì ni lông khi thật sự cần thiết

b. Lập dàn bài là việc làm vô cùng cần thiết, là bước quan trọng khi viết tập làm văn. Việc lập dàn bài trước khi viết đem lại những ưu điểm như:
– Luận điểm trở nên rõ ràng, mạch lạc, không bị thiếu ý
– Xác định được phần trọng tâm của bài viết

SOẠN BÀI CÂU GHÉP, SIÊU NGẮN 2

I. ĐẶC ĐIỂM CỦA CÂU GHÉP

1.
* Câu 1: Tôi//quên thế nào được, những cảm giác//… nảy nở (trong lòng tôi)//như mấy cành//..đãng
Cụm C – V lớn (nòng cốt)
Tôi/quên… quang đãng
– Cụm C – V làm bổ ngữ cho ĐT “quên”: những cảm giác trong sáng ấy/nảy nở trong lòng tôi
– Cụm C – V làm bổ ngữ cho ĐT “nảy nở”: (như) mấy cành hoa tươi//mỉm cười

* Câu 2: Mẹ tôi/âu yếm nắm tay tôi…
– 1 cụm C – V

* Câu 3: 3 cụm C – V
– Cảnh vật chung quanh tôi//đều thay đổi
– (Vì) chính lòng tôi//đang có sự thay đổi lớn
– Hôm nay tôi//đi học ⟶ giải thích nghĩa cho cụm C – V 2

2.
– Câu 1: 3 cụm C – V (2 cụm làm phụ ngữ cho ĐT)
– Câu 2: 1 cụm C – V ⟶ Câu đơn
– Câu 3: 3 cụm C – V ⟶ 3 cụm C – V không bao chứa nhau

II.CÁCH NỐI CÁC VẾ CÂU

1. Câu (1), (3), (6)
2. Câu (1) và câu (7) không dùng từ nối.
Câu (3) và câu (6) dùng quan hệ từ.

3.
– Dùng từ có tác dụng nối
Vd: Xe dừng lại và một chiếc khác đỗ bên cạnh.

– Chỉ quan hệ nối tiếp
Vd: Nó đến rồi chúng tôi học bài.

– Dùng quan hệ từ
Vd: Hoa cúc đẹp nhưng hoa ngâu thơm hơn.

III.LUYỆN TẬP

1.
a) Nếu Dần không buông chị ra, chốc nữa nữa ông lí vào đây, ông ấy trói nốt cả u, trói nốt cả Dần nữa đấy => dung dấu phẩy
b) Cô tôi chưa dứt câu, cổ họng tôi đã nghẹn ứ, khóc không ra tiếng. (dùng từ nối :giá, dấu phẩy)
Giá những cổ tục đã … cho kì nát vụn mới thôi. (có dùng từ nối)
c) Tôi lại im lặng cúi đầu xuống đất: lòng tôi càng thắt lại, khóe mắt tôi đã cay cay. (không dùng từ nối, dung dấu 2 chấm và dấu phẩy)
d) Hắn làm nghề ăn trộm nên vốn không ưa lão Hạc bởi vì lão lương thiện quá. (có dùng từ nối: bởi vì)

2
a) Vì anh có tài riêng mà tính lại thích tự do, nên anh chẳng chịu làm chuyên cho một rạp nào.
b) Nếu ai cùng làm việc hết mình thì công việc sẽ tiến hành đúng với kế hoạch.
c) Tuy trời mưa lớn nhưng anh ấy vẫn nhất quyết lên đường.
d) Không những cây không ra hoa mà lá cũng khô héo dần.

3

* Bỏ bớt một quan hệ từ.
a) Anh có tài riêng mà tính lại thích tự do nên anh chẳng chịu làm chuyên cho một rạp nào.
Anh chẳng chịu làm riêng cho một rạp nào vì anh có tài riêng mà tính lại thích tự do.

b) Ai cũng làm việc hết sức mình thì công việc sẽ hoàn thành đúng kế hoạch.
Công việc sẽ hoàn thành đúng kế hoạch nếu ai cũng làm việc hêt sức mình.

c) Trời mưa lớn nhưng anh ấy vẫn nhất quyết lên đường.
Anh ấy vẫn nhất quyết lên đường dù trời mưa lớn.

d) Không những cây không ra hoa mà lá cũng khô héo dần.
Không những cây không ra hoa, lá cũng khô héo dần.

• Đảo lại trật tự các vế câu.
a) Anh chẳng chịu làm chuyên cho một rạp nào vì anh có tài riêng mà tính lại thích tự do.
b) Công việc sẽ hoàn thành đúng kế hoạch nếu ai cũng làm việc hêt sức mình.
c) Anh ấy vẫn nhất quyết lên đường dù trời mưa lớn.
d) Không đảo được

4.
a) Chúng tôi chưa đến nơi thì xe đã hết xăng.
b) Ăn cây nào rào cây nấy.
c) Chúng ta càng lên cao, chúng ta càng nhìn được xa.

5.
a. Thay đổi thói quen sử dụng bao bì ni lông.

Hàng ngày chúng ta vẫn sử dụng một lượng lớn túi ni-lông mà không hề biết tới những tác động to lớn của nó tới môi trường. Túi nilông lẫn vào đất ngăn cản oxy đi qua đất, làm chậm sự tăng trưởng của cây trồng, gây xói mòn đất. Túi nilông lọt và cống, rãnh, kênh, rạch sẽ làm tắc nghẽn gây ngập úng. Các hoá chất độc hại còn lại hay lẫn trong quá trình sản xuất túi nilông cũng sẽ thâm nhập vào đất, vào nguồn nước, vào đồ ăn thức uống gây tổn hại sức khoẻ con người,… Nếu chúng ta không có những biện pháp hạn chế sử dụng túi nilông ngay thì không bao lâu nữa kênh rạch, ruộng đồng, mọi nơi sẽ tràn ngập rác nilông, môi trường sẽ bị ô nhiễm nặng nề.

b. Tác dụng của việc lập dàn ý trước khi viết bài tập làm văn.

“Chắc hẳn nhiều người trong số các bạn đều biết tới việc lập dàn ý trước khi làm một bài luận, một bài báo hay chỉ đơn giản là làm một bài tập làm văn trên lớp. Mặc dù vậy, ít người trong chúng ta thực sự chú ý tới việc này và nguyên nhân là do chưa hiểu rõ tác dụng mà nó mang lại. Lập dàn ý giúp ta sắp xếp, chỉnh sửa được các ý sẽ đưa vào bài. Từ đó giới hạn và thanh lọc được những phần hay những ý,chi tiết cần thiết để giúp bài văn cô đọng,hàm súc. Ngoài ra, nó còn giúp ta sắp xếp được bố cục bài viết theo một thứ tự. Dù các ý của bạn được chọn lọc và tiêu biểu, nhưng nếu thiếu một bố cục mạch lạc, gắn kết với nhau thì bài viết sẽ rất hỗn độn. Nó sẽ làm người đọc hay người nghe mất thời gian để gắn kết các ý với nhau. Bố cục của bài viết còn ảnh hưởng tới việc diễn đạt ý. Với một bố cục hoàn chỉnh, người đọc và người nghe sẽ dễ dàng hiểu được ý mà bạn muốn diễn đạt từ đó tránh việc hiểu nhầm,hiểu sai. Vậy nên việc lập dàn ý khi làm một bài tập làm văn là thực sự quan trọng.”
 

SOẠN BÀI CÂU GHÉP, SIÊU NGẮN 3

I. Đặc điểm của câu ghép

Các cụm C-V có trong đoạn trích trên:
1. Câu có cụm C-V trong những câu in đậm:
” Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”

2. Cấu tạo của những câu có hai cụm C-V:
+ “Tôi quên thế nào được… giữa bầu trời quang đãng.”
+ “Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính… tôi đi học.”

3. Trình bày kết quả phân tích ở hai bước trên vào bảng theo mẫu

soan bai cau ghep

4. Trong những câu trên câu có 1 cụm C-V là câu đơn, câu có 2 cụm C-V trở lên là câu ghép.

II. Luyện tập

Bài 1 (trang 113 sgk Ngữ Văn 8 tập 1)
a, Câu ghép:
+ U van Dần, u lạy Dần! ( không dùng từ nối)
+ Chị con có đi, u mới có tiền nộp sưu, thầy Dần mới được về với Dần chứ! ( không dùng từ nối)
+ Sáng nay người ta đánh trói thầy Dần như thế, Dần có thương không? ( không dùng từ nối)
+ Nếu Dần không buông chị ra, chốc nữa ông lí vào đây, ông ấy trói nốt cả u, trói nốt cả Dần đấy.

b, Cô tôi chưa dứt câu, cổ họng tôi đã nghẹn ứ, khóc không ra tiếng. (Không dùng từ nối)
Giá những cổ tục đầy đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết định vồ lấy ngay mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi ( có dùng từ nối)
c, Tôi im lặng cúi đầu xuống đất: lòng tôi càng thắt lại, khóe mắt đã cay cay. (Không dùng từ nối)
d, Hắn làm nghề ăn trộm nên vốn không ưa lão Hạc bởi vì lương thiện quá (có dùng từ nối)

Bài 2 (trang 113 sgk Ngữ Văn 8 tập 1)
+ Vì Lan chăm học nên Lan giành được học bổng đi du học.
+ Nếu mẹ đi vắng thì bố con tôi sẽ phải ăn mì.
+ Tuy sức nó yếu nhưng nó không ngại làm bất cứ việc gì.
+ Không những Lan hát hay mà bạn ấy còn vẽ đẹp.

Bài 3 (trang 113sgk Ngữ văn 8 tập 1)
– Bỏ bớt một quan hệ từ:
+ Lan chăm học nên giành được học bổng đi du học.
+ Sức nó yếu nhưng nó không ngại làm bất cứ việc gì.

– Đảo lại trật tự các vế câu:
+ Bố con tôi sẽ phải ăn mì nếu mẹ đi vắng.
+ Lan giành được học bổng đi du học vì Lan chăm học.

Bài 4 (trang 114 Ngữ Văn 8 tập 1)
a, Mẹ nó vừa tới nơi nó đã đòi đi về.
b, Tôi đi đến đâu con Lu đã theo đến đấy.
c, Càng lớn lên nó càng xinh đẹp và giỏi giang.

Bài 5 (trang 114 Ngữ văn 8 tập 1)
a, Thay đổi thói quen sử dụng bao bì ni lông
Túi ni lông cũng là một trong những vật dụng phổ biến trong đời sống nhưng nó cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Túi ni lông tiện dụng nên được nhiều người ưa chuộng sử dụng, nhưng ít ai có ý thức sử dụng một cách hợp lý. Thực chất túi ni lông khó phân hủy, hoặc khi phân hủy sẽ tạo ra lượng khí thải độc nên rất cần tìm ra những giải pháp khắc phục hạn chế này. Chúng ta có thể thay thế túi ni lông bằng việc sử dụng túi vải, túi giấy an toàn, thân thiện với môi trường.

b, Tác dụng của việc lập dàn ý trước khi viết bài tập làm văn
Việc viết được một bài văn hay phụ thuộc rất nhiều vào bước lập dàn ý. Thực chất bước lập dàn ý cũng như bản thiết kế xây dựng của các kỹ sư trước khi xây một ngôi nhà. Để bạn đảm bảo độ mạch lạc trong bài, thông tin được sắp xếp một cách hợp lý bạn cần lập dàn ý chi tiết. Trên thực tế rất nhiều bạn viết văn hay nhờ vào việc chuẩn bị kỹ bước lập dàn ý. Trước tiên bạn cần tìm hiểu kỹ đề bài, gạch ra từ khóa chính, sau đó tìm ý. Từ việc có ý chính bạn có thể sắp xếp các ý chính theo thứ tự logic các phần mở bài, thân bài, kết luận. Việc chuẩn bị dàn ý chính là một trong những phương pháp hiệu quả để viết văn hay và hoàn chỉnh.

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *